Di chúc

Di Chúc Và Thừa Kế

Di chúc là văn bản quy định rõ tài sản của quý vị được chia thế nào sau khi quý vị qua đời. Văn bản này ghi nhận các ý nguyện và quyết định của người lập di chúc về các việc như sau:

  • Chỉ định ai là người thi hành di chúc (executor). Người thi hành di chúc có thể là cá nhân hoặc một tổ chức và có trách nhiệm xử lý các tài sản và khoản nợ theo nguyện vọng của người lập di chúc là quý vị;
  • Di sản của quý vị sẽ được chia cho ai và chia thế nào;
  • Chỉ định ai là người giám hộ cho những người con dưới 18 tuổi;
  • Các vấn đề khác, ví dụ các ước nguyện về việc tang lễ, giữ gìn tro cốt, hiến tạng và đóng góp từ thiện.

Lập di chúc hợp lệ là cách tốt nhất để đảm bảo rằng những tài sản mồ hôi nước mắt của mình sẽ được chia theo cách mình mong muốn, giảm thiểu các gánh nặng về quản lý tài sản và chi phí cho người thân còn lại, và để người thân có được sự bình yên và được an ủi rằng các ước nguyện của người ra đi đã được thoả mãn.

Ai có thể lập di chúc?

Bất kỳ ai trên 18 tuổi, với đầu óc minh mẫn và khả năng nhận thức (biết mình đang làm gì) đều có thể lập Di chúc.

Trong một số trường hợp, người dưới 18 tuổi cũng có thể lập Di chúc.

Tài sản nào có thể được chia theo Di chúc?

Các tài sản có thể được chia theo di chúc bao gồm tài sản do người lập di chúc sở hữu tại thời điểm người đó chết, gồm cả tài sản như bất động sản, xe otô, tiền trong tài khoản ngân hàng, tiền mặt, các khoản đầu tư), các vật dụng cá nhân (trang sức, sách, ảnh, tranh, các vật dụng khác), và cả các quyền và quyền lợi của người lập di chúc như quyền chỉ định người uỷ thác trong quỹ uỷ thác của gia đình.

Di sản bao gồm tất cả các tài sản của người lập di chúc còn lại sau khi đã trả hết các chi phí tang lễ, chi phí quản lý, thuế và các khoản nợ hay nghĩa vụ của người lập di chúc.

Một số tài sản sau đây sẽ không được chia theo Di chúc:

  • Bất động sản mà người lập di chúc đứng tên chung với người khác với tư cách là đồng sử dụng có quyền thừa hưởng (joint tenants);
  • Tài sản là tiền hưu bổng (superannuation) hay bảo hiểm – các khoản này sẽ được trả cho người thụ hưởng được chỉ định trong hợp đồng bảo hiểm và hưu bổng;
  • Tài sản giữ trong công ty gia đình hay quỹ uỷ thác gia đình. Cho dù người lập di chúc có quyền kiểm soát các tài sản này thông qua công ty hay quỹ uỷ thác, người lập di chúc không phải là người sở hữu theo luật đối với các tài sản này. Di chúc có thể quy định rằng quyền của người lập di chúc đối với việc kiểm soát công ty hay quỹ uỷ thác gia đình (ví dụ, quyền chỉ định ngừoi nhận uỷ thác) sẽ được chuyển giao cho ai;

Quý vị nên lấy ý kiến tư vấn của luật sư về việc lập di chúc và thừa kế, để đảm bảo rằng mình biết chắc chắn tài sản của mình sẽ được xử lý đúng theo luật và chia theo nguyện vọng của mình.

Sửa đổi Di chúc hoặc làm Di chúc mới

Các giấy tờ về di chúc và thừa kế có thể cần được sửa đổi hay lập văn bản mới khi xảy ra một số sự kiện quan trọng như hôn nhân, bước vào mối quan hệ mới, ly thân, ly hôn, có con/ cháu, người thân bị bệnh tật cần chăm sóc đặc biệt, hoặc nếu quý vị muốn dành một phần di sản để góp từ thiện.

Nếu quý vị có thay đổi ý định về chia di sản, hay có ước nguyện mới, mà không cập nhật Di chúc thì người thi hành di chúc sẽ vẫn tiến hành xử lý tài sản theo Di chúc hiện hành. Do đó, quý vị nên cẩn trọng và bảo đảm rằng Di chúc của mình được cập nhật kịp thời.

Chứng thực Di chúc/ Thư Quản lý Di sản

Mặc dù người thi hành di chúc có thể tiến hành xử lý các tài sản của người đã khuất mà không cần phải làm thủ tục ở Toà Án, trong nhiều trường hợp luật yêu cầu họ xin chứng thực di chúc hoặc xin Thư Quản lý Di sản. Các thủ tục này được tiến hành tại Toà án Tối cao của tiểu bang nơi có tài sản của người đã khuất.

Ở Tây Úc và Victoria, Toà án Tối cao của tiểu bang xử lý các thủ tục liên quan tới thừa kế và di chúc và quản lý di sản. Chứng thực di chúc/ Thư quản lý di sản là các tài liệu pháp lý do Toà án Tối cao cấp, cho phép người thi hành di chúc hoặc người quản lý di sản tiến hành xử lý các tài sản. Các giấy tờ này là bằng chứng chứng tỏ quyền của người thi hành di chúc/ người quản lý di sản được phép thu nhận các tài sản (như tiền trong ngân hàng, cổ phiếu, các khoản đầu tư), trả nợ, bán hay chuyển nhượng tài sản.

Chứng thực Di chúc

Nếu người lập di chúc chết và để lại di chúc hợp lệ và di chúc đó chỉ định một người thi hành di chúc, người này có thể làm thủ tục với văn phòng về thừa kế của tiểu bang nơi có tài sản của người lập di chúc để xin Chứng thực Di chúc.

Việc chứng thực di chúc có tầm quan trọng đặc biệt vì nó cho phép người thi hành di chúc tiến hành chia di sản theo quy định và ước nguyện trong Di chúc. Người thi hành cũng sẽ cần giấy Chứng thực Di chúc để làm việc với ngân hàng, các công ty tài chính, cơ quan đăng ký nhà đất hay sở giao dịch chứng khoán.

Thư Quản lý di sản

Nếu một người ra đi để lại di chúc nhưng di chúc không chỉ định người thi hành, hoặc khi người thi hành di chúc duy nhất chỉ định trong di chúc không thể hoặc không muốn làm thủ tục xin Chứng thực di chúc, Toà án Tối cao có thể cấp Thư Quản lý di sản kèm theo Di chúc cho một người khác, thường là một người thụ hưởng di sản, để quản lý di sản.

Nếu người đã khuất không có di chúc hợp lệ

Trong một số trường hợp, người qua đời có thể được coi là không có di chúc hợp lệ:

  • Người đó qua đời mà không để lại di chúc;
  • Người đó có lập di chúc, nhưng di chúc không bao gồm tất cả các tài sản trong khối di sản;
  • Di chúc không hợp lệ vì không được ký hay làm chứng theo luật;
  • Trước khi qua đời, người đó không ở trong trạng thái minh mẫn và đủ khả năng lập di chúc;

Trong những trường hợp này, di sản sẽ được xử lý theo quy định của luật của tiểu bang/ vùng lãnh thổ được coi là nơi sinh sống của người đã khuất tại thời điểm ngay trước khi qua đời. Người có quan hệ huyết thống gần nhất với người đã khuất sẽ phải làm thủ tục quản lý di sản và xin Thư Quản lý Di sản, để họ được uỷ quyền quản lý di sản của người đã khuất và chia tài sản trong khối di sản đó.

Nói chung, luật về chia thừa kế khi không có di chúc quy định rằng di sản sẽ được chia cho vợ hoặc con người đó, hoặc nếu không có vợ con thì chia cho người có quan hệ huyết thống gần nhất. Mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ có các quy định khác nhau về việc ai được coi là người có quan hệ huyết thống gần nhất và tỉ lệ di sản họ được thừa kế.

Việc áp dụng luật để chia tài sản khi không có di chúc có thể dẫn đến hậu quả là di sản không được chia theo ý nguyện của người đã qua đời. Ví dụ, tài sản được chia cho người có quan hệ huyết thống gần nhất là người vợ/ chồng đã chia tay, ly thân nhưng chưa li dị, hoặc họ hàng mà quý vị không hề duy trì liên lạc hoặc không thích.

Xin liên hệ với các luật sư ở Perth và Melbourne nếu quý vị muốn biết thêm về việc lên kế hoạch di sản, di chúc và thủ tục xin chứng thực di chúc và thư quản lý tài sản.

Liên hệ với Chúng tôi

Xin để lại thông tin liên hệ và lời nhắn để chúng tôi liên lạc lại trong thời gian sớm nhất

    Luật sư kinh nghiệm, đúng người đúng việc

    phone-callout-icon

    Liên
    hệ

    1

    heart-hands-icon

    Các lĩnh vực
    tư vấn

    2

    clock-icon

    Đặt hẹn
    tư vấn

    3

    thumbsup-icon

    Sẵn sàng
    trợ giúp

    4

    Call Now Button